Xem Nhiều 4/2024 # Nữ Cơ Trưởng Đất Phú /️ Nữ Cơ Trưởng Đầu Tiên Của Việt Nam # Top Yêu Thích

“Không thể tin nổi, con gái mà lái máy bay!” – Nhiều hành khách của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã thốt lên như vậy khi biết nghề nghiệp của Huỳnh Lý Đông Phương. Hiện cô gái trẻ quê ở TP Tuy Hòa là nữ cơ trưởng đầu tiên của Việt Nam lái loại máy bay hiện đại Airbus 321.

Huỳnh Lý Đông Phương, sinh năm 1987, cao 1,71m, thông thạo cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh. Với tiếng Việt đôi chỗ nói còn lơ lớ, chị bắt đầu câu chuyện về hành trình theo đuổi ước mơ làm chủ bầu trời của mình.

Duyên nợ với tổ quốc

Quê ở TP Tuy Hòa nhưng Huỳnh Lý Đông Phương sinh ra và lớn lên ở Bỉ. Để con gái không quên nguồn cội, những ngày Phương còn thơ bé, mỗi mùa hè, cha mẹ thường đưa Phương về Việt Nam thăm họ hàng. Chị chia sẻ: “Hồi nhỏ, kỷ niệm về quê hương của tôi gắn liền với hình ảnh chiếc máy bay vì mỗi lần về Việt Nam, cả nhà đều phải di chuyển bằng loại phương tiện này. Năm tôi mới 3 tuổi, khi gia đình đang quá cảnh ở sân bay Changi (Singapore), nhìn vào buồng lái một chiếc Boeing 747, tôi rất ấn tượng với hình ảnh các phi công tất bật chuẩn bị cho chuyến bay nên mơ ước trở thành phi công từ đó”.

Nữ cơ trưởng Huỳnh Lý Đông Phương

Năm 17 tuổi, Đông Phương nộp đơn vào không quân Bỉ nhưng không được tuyển dụng. Với cá tính bướng bỉnh, chị vẫn không từ bỏ ý định. Không được làm phi công quân sự, Đông Phương thuyết phục gia đình cho theo học trường đào tạo phi công thương mại. Tuy nhiên, đường đời lắm chông gai, trắc trở, sau khi Đông Phương tốt nghiệp THPT, ba chị đột ngột qua đời. Thực hiện di nguyện của ba, Đông Phương đã theo học đại học chuyên ngành kinh tế. Nhưng ước mơ chinh phục bầu trời vẫn luôn cháy bỏng nên hai năm sau, được sự đồng ý của mẹ, chị đến trường ESMA (Montpellier, Pháp) học lái máy bay. “Trước đây, tôi từng tìm hiểu một trường khác nhưng vì muốn được gần mẹ, muốn có thể về thăm gia đình vào dịp cuối tuần nên tôi đã chọn trường ESMA. Không ngờ, năm tôi vào học, trường này mở khóa đào tạo phi công cho Vietnam Airlines. Đúng là trái đất tròn! Tôi là người Việt Nam, sinh ra ở Bỉ, qua Pháp học lái máy bay, rốt cuộc lại gặp người Việt Nam ở đây”, Đông Phương tâm sự. Sau khi tốt nghiệp, chính những bạn học người Việt đã gợi ý chị về Việt Nam để “cùng bay”. Việt Nam cũng là nơi mẹ chị còn nhiều người thân có thể chia sẻ buồn vui lúc tuổi già khi chị bận rộn với lịch bay dày đặc nên Đông Phương quyết định trở về Tổ quốc.

Là một trong những nữ phi công của Vietnam Airlines được huấn luyện chuyển loại máy bay Airbus 320, 321, sau khi tích lũy đủ số giờ bay cần thiết, Đông Phương đã vượt qua kỳ sát hạch cuối cùng và chính thức được thả bay ở vị trí cơ phó vào tháng 12/2011. Gần 4 năm sau, khi có đủ 3.000 giờ bay, chị lại trải qua một kỳ huấn luyện khắt khe để được đeo cầu vai 4 vạch – chính thức trở thành nữ cơ trưởng Airbus 321 đầu tiên của Việt Nam. “Nhận được cầu vai cơ trưởng ngay sau khi chuyến bay kiểm tra cuối cùng, tôi vui mừng khôn xiết. Vượt qua bao khó khăn của bản thân, vượt qua định kiến của xã hội, tôi đã đạt được ước mơ”, Đông Phương nói.

Huỳnh Lý Đông Phương cùng các đồng nghiệp trên chuyến bay “toàn nữ” – Ảnh: Do nhân vật cung cấp

Buồn vui nghề lái máy bay

Khi còn ngồi ở ghế phải máy bay (ghế cơ phó) thì có gì khó, Đông Phương thường quay qua trái hỏi cơ trưởng. Ngày đầu làm cơ trưởng, chưa bỏ được thói quen này, chị vẫn quay qua trái nhưng rồi nhớ ra mình đã là “chỗ dựa” của người khác chứ không còn là “người dựa dẫm” như trước. Và ngay trong chuyến bay thứ hai ở vị trí cơ trưởng, Đông Phương đã xử lý một tình huống nguy cấp mà nếu không đủ bản lĩnh, tình hình có thể đã khác đi. Chị nhớ lại: “Hôm đó, trên chuyến bay từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Incheon (Hàn Quốc), một nữ hành khách bỗng dưng ngất xỉu vì bị tụt huyết áp. Lúc đó, máy bay đang ở vùng trời Đà Nẵng, nghe tiếp viên trưởng báo cáo vụ việc, tôi đã bình tĩnh yêu cầu tiếp viên trưởng thông báo xem hành khách nào có thể giúp đỡ người phụ nữ ấy, đồng thời yêu cầu cơ phó nắm tình hình thời tiết tại Đà Nẵng để có thể hạ cánh khẩn cấp bất cứ lúc nào. May sao, một hành khách có kinh nghiệm đã tham gia sơ cứu người bệnh. Sau đó, người bệnh cũng dần hồi phục nên chuyến bay vẫn tiếp tục hành trình một cách an toàn”.

Khi biết Đông Phương là phi công, lại là cơ trưởng, nhiều người tròn mắt ngạc nhiên và nói rằng họ không thể tin nổi. Điều đó cũng dễ hiểu vì hiện nay trong số hơn 1.000 phi công đang làm việc tại Vietnam Airlines chỉ có hơn 10 người là nữ. “Làm việc trong một môi trường lâu nay chỉ dành cho đàn ông thì phụ nữ càng phải cố gắng gấp bội lần để khẳng định mình”, Đông Phương khẳng khái nói.

Theo Đông Phương, nghề phi công đem lại cho chị nhiều thứ nhưng cũng lấy đi không ít, nhất là thời gian và sức khỏe. Theo đuổi nghề này, chị được ăn mặc đẹp, đi đây đi đó, được nhiều người ngưỡng mộ… nhưng bù lại thời gian dành cho gia đình rất ít. “Từ ngày về Việt Nam, tôi vẫn sống với mẹ tại TP Hồ Chí Minh. Nhà chỉ có hai mẹ con nhưng một lần sinh nhật của mẹ trùng với lịch bay nên tôi không thể ở bên mẹ và tôi rất buồn về điều đó. Làm việc với cường độ cao trong một môi trường không biết lễ, tết, cuối tuần là gì, chúng tôi gặp rất nhiều áp lực, phải rất yêu nghề mới chấp nhận được”, Đông Phương bộc bạch.

Theo Lê Hảo – Báo Phú Yên

Cùng Chuyên Mục
Bài Viết Trước
Bài Viết Sau